VỀ THĂM LÀNG ĐÁ MỸ NGHỆ HÒN SẦM, PHONG PHÚ 01, NINH GIANG, NINH HÒA, KHÁNH HÒA

VỀ THĂM LÀNG ĐÁ MỸ NGHỆ HÒN SẦM, PHONG PHÚ 01, NINH GIANG, NINH HÒA, KHÁNH HÒA

    Có dịp về Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) vùng đất nằm bên dòng sông Dinh thơ mộng, du khách hãy ghé thăm làng đá mỹ nghệ Phong Phú 1 để chiêm ngưỡng những kiệt tác do bàn tay người thợ nơi đây tạo nên.

           

    Để có một sản phẩm chất lượng cao người thợ phải hết sức tỉ mẩn trong từng công đoạn chế tác.

    Những người trong làng cho biết, nghề chế tác đá mỹ nghệ tại Ninh Giang đã có từ hơn 50 năm trước, bắt đầu từ năm 1956. Người có công mang nghề chế tác đá về đây là ông Nguyễn Văn Sĩ (sinh năm 1912) quê ở Quảng Nam – Đà Nẵng, dần dần, ông truyền lại  nghề cho con cháu và duy trì cho đến ngày nay. Trải qua thăng trầm lịch sử ,

    có giai đoạn các sản phẩm gia dụng truyền thống của làng không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường và cuộc sống hiện đại, người thợ làm nghề lâm vào cảnh khó khăn. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đa dạng sản phẩm và giữ được nghề những người thợ trong làng đã đi học về điêu khắc mỹ nghệ và chuyển hướng sang chế tác đá mỹ nghệ. Ngày nay, làng nghề đã bắt kịp xu thế phát triển, đáp ứng khá tốt yêu cầu của thị trường. Năm 2013, địa phương đã thành lập Tổ liên kết làm đá mỹ nghệ tại Tổ dân phố Phong Phú 1, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa.

    Về làng đá Phong Phú, đi đến đâu cũng dễ dàng nghe tiếng máy cắt, máy mài chạm vào đá thô ráp vang lên chát chúa xen lẫn tiếng lách cách khoan thai phát ra từ mũi chạm của người thợ. Tất cả tạo nên bản nhạc đầy âm điệu giữa làng quê yên bình, cũng là nét đặc trưng không lẫn vào đâu được của làng.

    Từ bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo những người thợ làm nên các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với những  đường nét hoa văn tinh xảo. Hiện nay, các sản phẩm đá mỹ nghệ của làng khá đa dạng như bộ đàn đá đôn nấm, đèn đá, đi-văng đá, bồn tắm bằng đá, tượng đá, lục bình, cóc ngậm tiền và các vật dụng dùng hàng ngày như cối xay bột, cối giã muối… Nguyên liệu đá tại núi Sầm ở địa phương có cấu trúc cứng nên làm ra sản phẩm tròn, bền vững không bị vỡ được khách hàng ưa chuộng. Còn nguyên liệu để làm các sản phẩm mỹ nghệ có chất lượng cao người dân phải thu mua từ các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

           

     

    Các sản phẩm của làng khá đa dạng, đường nét hoa văn tinh xảo.

    Trong làng ngày càng có nhiều thợ có tay nghề cao, sản phẩm làm ra đẹp và đa dạng, được các cấp công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Vì vậy, sản phẩm được tiêu thụ ổn định, thu nhập của hộ làm nghề cao (6 triệu đồng/người/tháng), những người thợ lành nghề có thời điểm được trả công 1 triệu/người/ngày. Đến nay, làng có 123 hộ tham gia sản xuất đá mỹ nghệ, doanh thu bình quân hàng năm từ 800 - 900 triệu đồng/năm.

     Nghề chế tác đá mỹ nghệ được xác định là nghề trọng tâm của địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới phường Ninh Giang sẽ bố trí thêm mặt bằng để tập kết nguyên liệu, tạo điều kiện về vốn để các hộ làm nghề phát triển và hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho các hộ làm nghề. Bên cạnh đó, tổ liên kết làm đá mỹ nghệ Phong Phú 1 tiếp tục tổ chức cho những người thợ trong làng đi học tập thực tế, trao đổi kinh nghiệm nâng cao tay nghề để tạo ra được nhiều sản phẩm chất lượng cao hơn nữa, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

    Với việc được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống, làng chế tác đá mỹ nghệ Phong Phú 1 hứa hẹn sẽ đổi thay mạnh mẽ, phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

    Nguồn: Báo Khánh Hòa

    Zalo